Bối cảnh Trận_Zorndorf

Năm 1758, cuộc chiến tranh Bảy năm giữa liên minh Nga-Áo với Phổ bước sang năm thứ ba. Cuối tháng 7 – đầu tháng 8, chính phủ Nga sai đại tướng Villiam V. Fermor đem gần 5 vạn quân mở chiến dịch tấn công Brandenburg – lãnh địa trung tâm của vua Phổ và cũng là nơi đặt thủ đô Berlin. Quân Nga nhanh chóng đè bẹp các đơn vị biên phòng Phổ; sau đó Fermor tiến đánh pháo thành Küstrin và thị trấn Frankfurt nhằm tạo bàn đạp vượt sông Oder đánh chiếm Berlin.[5][8] Đến ngày 15 tháng 8, quân bản bộ Brandenburg đã bị co cụm về Küstrin (chỉ cách Berlin 50 km). Fermor cho pháo kích cấp tập vào thành suốt 1 tuần lễ nhưng quân Phổ vẫn kiên quyết không đầu hàng.[9][8]

Trong lúc quân Nga xâm chiếm Brandenburg, đội quân trung ương Phổ do Friedrich II trực tiếp chỉ huy đang tập kết ở Schlesien. Ban đầu Friedrich tin rằng quân bản bộ Brandenburg của tướng Christoph Burggraf und Graf zu Dohna đủ sức đánh bại quân Nga, nên ông dồn hết quân chủ lực về Schlesien đặng đề phòng quân đội Áo do thống chế Leopold von Daun chỉ huy đánh khu vực này.[10] Tuy nhiên, sau khi nhận tin quân Brandenburg đánh không lại đối phương, Friedrich vào ngày 8 tháng 8 đã mang 15 nghìn quân lên mạn bắc tấn công quân Nga trên sông Oder. Quân Phổ khởi hành từ Landshut (Schlesien) vào ngày 11 tháng 8. Chỉ sau 9 ngày hành quân cấp tốc, quân chủ lực Phổ đã đến bờ tây sông Oder và đến ngày 22 tháng 8 Friedrich hợp binh với 11 nghìn quân bản bộ của Dohna, nâng quân số Phổ lên 36 nghìn người và 167 đại bác.[11][1][12]

Sự xuất hiện của đại quân Phổ buộc Fermor phải buông bỏ Küstrin và triệt thoái theo hướng đông.[13] Sau đó, ông ta xây dựng một tuyến phòng thủ dài 5 km giữ các thị trấn Quartschen và Zicher, tọa lạc trên hướng nam con sông nhỏ Mietzel (là phụ lưu chảy vào sông Oder theo hướng đông-tây). Địa hình khu vực này khá thuận lợi cho quân Nga, vì nếu muốn tấn công họ quân Phổ sẽ phải vượt sông Mietzel, sau đó luồn qua các cánh rừng rậm và tràn qua một vùng đất thấp lầy lội mang tên Hole-Bruch. Cánh trái do Fermor trực tiếp chỉ huy được đặt tựa vào các vùng trũng Zabern-Grund còn cánh phải do tướng Yuri Y. Browne chỉ huy tựa vào vùng trũng Langer-Grund. Lực lượng của Nga lúc đó bao gồm 43 nghìn quân và 210 đại bác, nhưng riêng về kỵ binh nặng họ bị lép vế rất nhiều so với địch quân: số quân thiết kỵ của Phổ và Nga lần lượt là 10500 và 3282 người.[1][14][15]

Ngày 23 tháng 8 quân đội Phổ vượt sông Oder, và sang hôm sau họ đến khu vực đối diện với quân Nga trên bờ tây sông Mietzel. Các khu rừng dày đặc ven sông đã gây cản trở lớn cho Friedrich trong việc quan sát chiến địa, thêm vào đó các toán khinh kỵ trinh thám của Phổ liên tục bị lính khinh kỵ Kozak quấy nhiễu.[16] Tuy thiếu dữ liệu về đội hình quân Nga nhưng Friedrich vẫn quyết định tấn công, vì ông ta luôn quan niệm rằng dân Nga chỉ là "một lũ mọi rợ nửa Âu nửa Á" và không thể bì kịp quân đội tinh nhuệ của Phổ.[17] Friedrich lên kế hoạch vượt sông Mietzel tiến sang hướng đông, sau đó hành quân xuyên qua các rừng phía đông Zicher rồi lập đội hình chiến đấu trên tuyến Wilkersdorf - Zorndorf để đánh bọc hậu địch.[15][16]